Kinh tế Thụy_Sĩ

Bài chi tiết: Kinh tế Thụy Sĩ
Omega Speedmaster được mang lên Mặt trăng trong sứ mệnh Apollo. Xét theo giá trị, Thụy Sĩ sản xuất một nửa lượng đồng hồ của thế giới.[41][76]

Thụy Sĩ có một nền kinh tế ổn định, thịnh vượng và công nghệ cao, có được của cải lớn. Năm 2011, quốc gia này được xếp hạng giàu có nhất thế giới về bình quân đầu người ("giàu" được xác định bao gồm tài sản tài chính và phi tài chính), trong khi Báo cáo Của cải Toàn cầu Credit Suisse 2013 cho thấy rằng Thụy Sĩ có lượng của cải bình quân đầu người cao nhất trong năm đó.[77][78][79] Thụy Sĩ là nền kinh tế lớn thứ 19 theo GDP danh nghĩa và lớn thứ 11 theo sức mua tương đương (2016). Đây là nước xuất khẩu lớn thứ 18 thế giới (2015) dù có kích thước nhỏ. Thụy Sĩ được xếp hạng cao nhất châu Âu về Chỉ số Tự do Kinh tế năm 2010.[80] GDP danh nghĩa bình quân của Thụy Sĩ cao hơn của các nền kinh tế lớn tại Tây-Trung Âu và Nhật Bản.[81]

Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp hạng kinh tế Thụy Sĩ là cạnh tranh nhất toàn thế giới (2016-2017),[82] trong khi Liên minh châu Âu xếp hạng Thụy Sĩ là quốc gia sáng tạo nhất châu lục (2010).[83][84] Trong phần lớn thế kỷ XX, Thụy Sĩ là quốc gia giàu có nhất tại châu Âu với một khoảng cách đáng kể (theo GDP/người).[85] Năm 2007, thu nhập hộ gia đình trung bình tại Thụy Sĩ ước tính đạt 137.094 USD theo sức mua tương đương trong khi thu nhập trung bình là 95.824 USD.[86] Thụy Sĩ là một trong các quốc gia cân bằng tài khoản vãng lai lớn nhất theo tỷ lệ GDP.

Khu vực Đại Zürich là nơi ở của 1,5 triệu cư dân và có 150.000 công ty, đây là một trong các trung tâm kinh tế quan trọng nhất trên thế giới.[87]

Thụy Sĩ có một số tập đoàn đa quốc gia lớn. Các công ty lớn nhất Thụy Sĩ theo doanh thu là Glencore, Gunvor, Nestlé, Novartis, Hoffmann-La Roche, ABB, Mercuria Energy Group và Adecco.[88] Ngoài ra, còn phải chú ý đến UBS AG, Zurich Financial Services, Credit Suisse, Barry Callebaut, Swiss Re, Tetra Pak, The Swatch GroupSwiss International Air Lines. Thụy Sĩ được xếp vào hàng các nền kinh tế mạnh nhất thế giới.[85]

Lĩnh vực kinh tế quan trọng nhất của Thụy Sĩ là chế tạo. Ngành chế tạo phần lớn gồm sản xuất các mặt hàng hóa chất, y dược chuyên biệt, các dụng cụ đo lường khoa học và chính xác, và nhạc cụ. Mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là hóa chất, máy móc/đồ điện tử, và thiết bị/đồng hồ chính xác.[89] Xuất khẩu dịch vụ chiếm 1/3 tổng giá trị xuất khẩu.[89] Lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ngân hàng, bảo hiểm, du lịch và các tổ chức quốc tế là một ngành quan trọng khác của Thụy Sĩ.

Khoảng hơn 5 triệu người làm việc tại Thụy Sĩ theo số liệu năm 2017,[90] khoảng 25% người lao động thuộc một tổ chức công đoàn vào năm 2004.[91] Thụy Sĩ có thị trường lao động linh hoạt hơn so với các quốc gia láng giềng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 1,7% trong tháng 6 năm 2000 lên đến đỉnh là 4,4% trong tháng 12 năm 2009.[92] Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,2% vào năm 2014 và không giảm thêm vào năm 2015 và 2016.[93][94] Tăng trưởng dân số bắt nguồn từ di cư thuần là khá cao, ở mức 0,52% dân số vào năm 2004.[89] Cư dân là công dân ngoại quốc chiếm 21,8% vào năm 2004,[89] tương đương với Úc. GDP theo giờ làm việc cao thứ 16 thế giới, với 49,46 dollar quốc tế vào năm 2012.[95]

Khu vực tư nhân chiếm áp đảo trong kinh tế Thụy Sĩ và mức thuế tại đây thấp theo tiêu chuẩn Phương Tây. Thụy Sĩ là quốc gia tương đối dễ dàng để kinh doanh, đứng thứ 26 về Chỉ số thuận lợi kinh doanh (2016). Thụy Sĩ trải qua tăng trưởng chậm trong thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, tạo ra ủng hộ lớn hơn cho các cải cách kinh tế và hài hòa với Liên minh châu Âu.[96][97] Theo Credit Suisse, năm 2007 chỉ khoảng 37% cư dân sở hữu nhà ở, nằm vào hàng thấp nhất tại châu Âu. Giá nhà ở và thực phẩm cao hơn 171% và 145% so với các quốc gia EU vào năm 2007, tương đương với 113% và 104% so với Đức.[89]

Ngân sách liên bang Thụy Sĩ có quy mô 62,8 tỷ franc Thụy Sĩ vào năm 2010, tương đương 11,35% GDP quốc gia trong năm; tuy nhiên ngân sách khu vực (cấp bang) và ngân sách các khu tự quản không được tính vào trong ngân sách liên bang và tổng chi tiêu chính phủ là gần 33,8% GDP. Nguồn thu nhập chủ yếu của chính phủ liên bang là thuế giá trị gia tăng (33%) và thuế liên bang trực tiếp (29%) và chi tiêu chủ yếu nằm tại các khu vực phúc lợi xã hội và tài chính & thuế. Chi tiêu của Liên bang Thụy Sĩ tăng từ 7% GDP vào năm 1960 lên 9,7% vào năm 1990 và đến 10,7% vào năm 2010. Trong khi các lĩnh vực phúc lợi xã hội và tài chính & thuế tăng từ 35% vào năm 1990 lên 48,2% vào năm 2010, một sự suy giảm đáng kể chi tiêu đang diễn ra trong các lĩnh vực nông nghiệp và quốc phòng, từ 26,5% xuống 12,4% (ước tính vào năm 2015).[98][99]

Chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp là một ngoại lệ hiếm hoi trong chính sách mậu dịch tự do của Thụy Sĩ, nó góp phần khiến giá thực phẩm ở mức cao. Tự do hóa thị trường sản phẩm tụt hậu so với nhiều quốc gia EU theo đánh giá của OECD.[96] Tuy thế, sức mua nội địa nằm vào hàng tốt nhất thế giới.[100][101][102] Ngoài nông nghiệp, các hàng rào kinh tế và mậu dịch giữa Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ là tối thiểu và Thụy Sĩ có các thỏa thuận mậu dịch tự do trên toàn cầu. Thụy Sĩ là một thành viên của Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Giáo dục và khoa học

Giáo dục tại Thụy Sĩ rất đa dạng do Hiến pháp Thụy Sĩ ủy thác cho các bang giữ thẩm quyền về hệ thống trường học.[103] Tồn tại các trường học công lập và tư thục, trong đó có nhiều trường học quốc tế tư nhân. Tuổi tối thiểu đối với trường tiểu học là khoảng sáu tuổi tại toàn bộ các bang, song hầu hết các bang cung cấp một "trường học trẻ em" miễn phí bắt đầu từ năm 4 hoặc 5 tuổi.[103] Cấp tiểu học kéo dài đến lớp bốn, năm hoặc sáu, tùy theo trường học. Theo truyền thống, ngoại ngữ thứ nhất trong trường học luôn là một trong các ngôn ngữ chính thức khác của Thụy Sĩ, song gần đây tiếng Anh được đưa vào làm ngoại ngữ thứ nhất tại một số bang.[103]

Đến cuối cấp tiểu học (hoặc đầu cấp trung học), học sinh được phân loại theo khả năng của họ theo một vài (thường là ba) lĩnh vực. Những trẻ học nhanh hơn được dạy trong các lớp học tiên tiến để chuẩn bị cho học tập sâu hơn và kỳ thi tú tài,[103] còn những trẻ tiếp thu chậm hơn một chút được tiếp nhận giáo dục thích ứng hơn với nhu cầu của chúng.

Khuôn viên của Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zürich (ETHZ).

Thụy Sĩ có 12 đại học, mười trường duy trì thuộc cấp bang và thường cung cấp lĩnh vực các môn học phi kỹ thuật. Đại học đầu tiên tại Thụy Sĩ được thành lập vào năm 1460 tại Basel (với một khoa y) và có truyền thống về nghiên cứu hóa học và y học tại Thụy Sĩ. Đại học lớn nhất tại Thụy Sĩ là Đại học Zürich với khoảng 25.000 sinh viên. Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zürich (ETHZ) và Đại học Zürich được xếp thứ 20 và 54 theo Xếp hạng Học thuật Đại học Thế giới 2015 của Đại học Giao thông Thượng Hải.[104]

Hai học viện được chính phủ liên bang tài trợ là Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Zürich (ETHZ) thành lập vào năm 1855 và Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ tại Lausanne (EPFL) được thành lập vào năm 1969- trước đó là một viện liên kết với Đại học Lausanne.[note 9][105][106]

Ngoài ra, tồn tại một số đại học khoa học ứng dụng (Fachhochschule). Trong nghiên cứu kinh doanh và quản trị, Đại học St. Gallen được xếp hạng thứ 329 trong Bảng xếp hạng đại học thế giới QS[107] và xếp hạng nhất về chương trình mở toàn cầu theo Financial Times.[108] Thụy Sĩ có tỷ lệ cao thứ hai (gần 18% vào năm 2003) sinh viên ngoại quốc ở cấp đại học, sau Úc (hơn 18% một chút).[109][110]

Như để thích hợp với một quốc gia trong vai trò là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế, Viện Sau đại học Nghiên cứu Quốc tế và Phát triển (IHEID) đặt tại Genève là trường sau đại học nghiên cứu quốc tế và phát triển lâu năm nhất tại châu Âu lục địa, và được nhìn nhận phổ biến là một trong những trường uy tín nhất.[111][112]

Nhiều nhà khoa học Thụy Sĩ từng nhận được giải thưởng Nobel, trong đó có nhà vật lý học nổi tiếng thế giới Albert Einstein,[113] ông phát triển thuyết tương đối hẹp của mình trong thời gian làm việc tại Bern. Gần đây có các nhà khoa học Thụy Sĩ Vladimir Prelog, Heinrich Rohrer, Richard Ernst, Edmond Fischer, Rolf ZinkernagelKurt Wüthrich nhận giải Nobel. Tổng cộng, Thụy Sĩ giành hơn 100 giải Nobel trong toàn bộ các lĩnh vực[114] và Giải Nobel Hòa bình được trao chín lần cho các tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ.[115]

Đường hầm LHC. CERN là phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới và cũng là nơi khai sinh của World Wide Web.[116]

Genève và tỉnh Ain thuộc Pháp nằm kế bên cùng là nơi đặt phòng thí nghiệm lớn nhất thế giới là CERN,[117] dành cho nghiên cứu vật lý hạt. Viện Paul Scherrer là trung tâm nghiên cứu quan trọng khác. Các phát minh đáng chú ý gồm có thuốc ảo giác lysergic acid diethylamide (LSD), kính hiển vi quét xuyên hầmVelcro. Một số công nghệ cho phép thám hiểm các thế giới mới như bóng áp lực của Auguste PiccardBathyscaphe, cho phép Jacques Piccard tiếp cận điểm sâu nhất của đại dương thế giới.

Văn phòng Không gian Thụy Sĩ tham gia một số công nghệ và chương trình không gian. Ngoài ra, họ còn là một trong 10 thể chế sáng lập Cơ quan Không gian châu Âu vào năm 1975 và đóng góp lớn thứ bảy cho ngân sách của cơ quan này. Trong khu vực tư nhân, một số công ty liên quan đến công nghiệp không gian như Oerlikon Space[118] hay Maxon Motors[119] họ cung cấp các cấu trúc tàu vũ trụ.

Năng lượng, hạ tầng và môi trường

Thụy Sĩ có các đập nước cao nhất tại châu Âu, trong đó có Đập Mauvoisin trên dãy Alpes. Thủy điện là nguồn năng lượng nội địa quan trọng nhất của quốc gia.

56% điện năng tại Thụy Sĩ là từ thủy điện, và 39% là từ điện hạt nhân, kết quả là hệ thống phát điện gần như không thải CO2. Ngày 18 tháng 5 năm 2003, hai sáng kiến chống điện hạt nhân bị bác bỏ: Moratorium Plus nhằm mục tiêu cấm chỉ xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới,[120] và Điện năng Không Hạt nhân.[121] Tuy nhiên, do tác động từ sự cố hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản, Chính phủ Thụy Sĩ vào năm 2011 công bố rằng có kế hoạch kết thúc sử dụng năng lượng hạt nhân trong vòng hai hoặc ba thập niên tới.[122] Tháng 11 năm 2016, cử tri Thụy Sĩ bác bỏ một đề xuất của Đảng Xanh về đẩy nhanh thôi dần năng lượng hạt nhân.[123] Văn phòng Năng lượng Liên bang Thụy Sĩ (SFOE) chịu trách nhiệm về toàn bộ các vấn đề liên quan đến cung ứng năng lượng và sử dụng năng lượng. Cơ quan này ủng hộ sáng kiến xã hội 2.000 W (trung bình một người dùng không quá 48 KWh mỗi ngày) nhằm cắt giảm sử dụng năng lượng quốc gia xuống hơn một nửa vào năm 2050.[124]

Thụy Sĩ có mạng lưới đường sắt dày đặc nhất tại châu Âu,[41] gồm 5.250 kilômét (3.260 mi) chuyên chở 596 triệu lượt hành khách mỗi năm (tính đến 2015).[125] Năm 2015, mỗi công dân Thụy Sĩ đi trung bình 2.550 kilômét (1.580 mi) bằng tàu hỏa, do đó là những người sử dụng đường sắt nhiều nhất.[125] Gần như 100% mạng lưới được điện khí hóa. Đa số (60%) hệ thống do Đường sắt Liên bang Thụy Sĩ (SBB CFF FFS) điều hành. BLS AG vận hành đường sắt khổ tiêu chuẩn lớn thứ nhì, hai công ty đường sắt khác vận hành mạng lưới khổ nhỏ là Đường sắt Rhaetian (RhB) tại bang đông nam Graubünden, trong đó có một số đoạn là di sản thế giới,[126] và Matterhorn Gotthard Bahn (MGB) đồng vận hành cùng RhB đối với Glacier Express giữa ZermattSt. Moritz/Davos. Ngày 31 tháng 5 năm 2016, Đường hầm Gotthard qua dãy Alpes được khai thông, là đường hầm đường sắt dài nhất và sâu nhất thế giới với chiều dài 57,1 kilômét long (35,5 mi).

Mạng lưới đường bộ Thụy Sĩ được quản lý kết hợp công-tư, quỹ lấy từ phí đường bộ và thuế xe. Hệ thống xa lộ cao tốc Thụy Sĩ yêu cầu mua một tem thuế có giá 40 franc Thụy Sĩ mỗi năm theo lịch để sử dụng đường, áp dụng với cả xe chở khách và chở hàng. Hệ thống xa lộ cao tốc Thụy Sĩ có tổng chiều dài 1.638 km (1.018 mi) (tính đến năm 2000), và so với diện tích toàn quốc là 41.290 km2 (15.940 sq mi) thì đây cũng là một trong những hệ thống xa lộ dày đặc nhất thế giới.[127] Sân bay Zürich là cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất của Thụy Sĩ, chuyên chở 22,8 triệu lượt hành khách vào năm 2012.[128] Các sân bay quốc tế khác là Sân bay Genève (13,9 triệu hành khách vào năm 2012),[129] EuroAirport Basel-Mulhouse-Freiburg trên lãnh thổ Pháp, Sân bay Bern, Sân bay Lugano, Sân bay St. Gallen-AltenrheinSân bay Sion. Swiss International Air Lines là hãng hàng không quốc gia của Thụy Sĩ, có trung tâm chính là Zürich.

Thụy Sĩ nằm trong số các quốc gia phát triển có thành tựu môi trường tốt nhất;[130] Thụy Sĩ ký kết Nghị định thư Kyoto vào năm 1998 và phê chuẩn nó vào năm 2003. Cùng với MexicoHàn Quốc tạo thành Tổ chức Toàn vẹn Môi trường (EIG).[131] Thụy Sĩ rất tích cực trong các quy định tái chế và chống xả rác, và là một trong những nước tái chế hàng đầu trên thế giới, với 66-96% vật liệu có thể tái chế đã được tái chế vào năm 2010, tùy theo khu vực.[132] Chỉ số Kinh tế Xanh Toàn cầu 2014 xếp hạng Thụy Sĩ nằm trong 10 nền kinh tế xanh hàng đầu thế giới.[133]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thụy_Sĩ http://www.anna.aero/european-airport-traffic-tren... http://www.winebiz.com.au/statistics/world.asp http://www.cp-pc.ca/english/switzerland/ http://www.about.ch/ http://www.are.admin.ch/dokumentation/00121/00224/... http://www.bag.admin.ch/themen/krankenversicherung... http://www.bar.admin.ch/archivgut/00591/00601/0060... http://www.bfe.admin.ch/forschungnetze/01223/index... http://www.pxweb.bfs.admin.ch/Dialog/varval.asp?ma... http://www.bfs.admin.ch/bfs/portal/de/index/news/0...